Thứ Năm, 5 tháng 1, 2012

Ông Trương Hòa Bình trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho tỉnh Bình Phước


Tối nay (30-12-2011), tại Quảng trường tỉnh, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ VN tỉnh đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 15 năm ngày tái lập tỉnh (1-1-1997 – 1-1-2012) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất do Chủ Tịch nước trao tặng.
Bí thư Trung ương Đảng Trương Hòa Bình gắn Huân chương Độc lập hạng Nhất lên cờ truyền thống của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Bình Phước
Bí thư Trung ương Đảng Trương Hòa Bình gắn Huân chương Độc lập hạng Nhất lên cờ truyền thống của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Bình Phước
Dự lễ kỷ niệm, về phía Trung ương có các đồng chí: Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Nguyễn Minh Triết, nguyên Ủy viên Bộ chính Trị, nguyên Chủ tịch nước; Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó chủ tịch nước…
Về dự lễ kỷ niệm còn có các Mẹ Việt Nam anh hùng, các vị lão thành cách mạng, Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động; các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh Bình Phước qua các thời kỳ; lãnh đạo các tỉnh bạn: Bình DươngĐồng Nai, Đắk Nông, Tây Ninh; các tỉnh thuộc Vương quốc Campuchia: Kom Pông Chàm, Kom Pông Thom, Mundulkiri, Karache, Stung Treng…
Đặc biệt là sự có mặt của hàng ngàn người dân, đủ các thành phần dân tộc trong, ngoài tỉnh đã đến dự và chung vui trong buổi lễ trọng đại này.
Diễn văn tại lễ kỷ niệm của đồng chí Nguyễn Tấn Hưng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho thấy, qua bốn kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh, Bình Phước đã có bước phát triển khá toàn diện, trong đó nhiều mặt phát triển mạnh mẽ.
Theo đó, cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Công nghiệp, xây dựng so với năm 1997 tăng gấp hơn 7,3 lần. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 12,33%.
Thay mặt Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Bình Phước, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất
Thay mặt Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Bình Phước, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất
Khi mới tách tỉnh, thu ngân sách chỉ hơn 150 tỷ đồng, đến năm 2011 ước đạt con số 3.500 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người năm 2011 ước đạt trên 27 triệu đồng, gấp hơn 10 lần so với năm 1997.
Đặc biệt, từ chỗ chỉ có 356 tổ chức cơ sở Đảng, với 8.448 đảng viên khi mới tái lập, đến nay Bình Phước đã có 20 đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy, 668 tổ chức cơ sở Đảng, 23.515 đảng viên. Hàng năm có trên 78% cơ sở Đảng đạt trong sạch vững mạnh, trên 84% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Bí thư Tỉnh ủy cũng nhấn mạnh: “Là tỉnh có 41 thành phần dân tộc, nhiều tôn giáo, nhưng trong 15 năm qua, Bình Phước luôn giữ vững khối đại đoàn kết toàn dân. Đây là nhân tố tạo nên sức mạnh nội lực, thống nhất trong toàn Đảng, toàn dân để Bình Phước phát triển bền vững”.
Có được những kết quả trên, theo đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, đó là sự kế thừa những thành tựu, những đóng góp quý báu của các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân từ tỉnh Sông Bé chuyển giao đến Bình Phước ngày nay. Đồng chí cũng đã khái quát qua 10 thành tựu quan trọng ở từng lĩnh vực.
Nguyên Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Trương Mỹ Hoa (hàng đầu, thứ nhất và thứ ba từ trái sang) tại lễ kỷ niệm
Nguyên Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Trương Mỹ Hoa (hàng đầu, thứ nhất và thứ ba từ trái sang) tại lễ kỷ niệm
Với những thành tựu nổi bật qua 15 xây dựng và phát triển, tại buổi lễ quan trọng này, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình đã trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh. Nói như đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, đó thực sự là niềm vinh dự, tự hào, động lực để Bình Phước tiếp tục vững bước đi lên, giành những thắng lợi mới.
Dịp này, UBND tỉnh đã tặng cờ thi đua cho 10 đơn vị có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong đợt thi đua đặc biệt lập thành tích chào mừng kỷ niệm 15 năm tái lập tỉnh.
Chúc mừng những thành tích mà tỉnh Bình Phước đạt được sau 15 năm tái lập, thay mặt Ban bí thư, đồng chí Trương Hòa Bình đã đề nghị Đảng bộ, quân và dân các dân tộc trong tỉnh bám sát tình hình thực tiễn để thực hiện tốt bảy nhiệm vụ chủ yếu như:
Đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng chuyển từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển hợp lý cả chiều rộng và chiều sâu.
Huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, các tiềm năng, thế mạnh để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội.
Hết sức chăm lo đầu tư toàn diện, ưu tiên nhất là việc đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, nâng cao phúc lợi xã hội… bảo tồn các giá trị văn hóa lịch sử.
Củng cố, tăng cường khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng, trong nhân dân và sự đồng thuận trong toàn xã hội, coi đây là yếu tố quyết định để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX và Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng…
Ngay sau phần nghi lễ quan trọng, chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “Chung dòng sông Bé” do các diễn viên của Đoàn ca múa nhạc tổng hợp tỉnh Bình Phước, Đoàn ca múa nhạc dân tộc tỉnh Bình Dương và các ca sĩ, nghệ sĩ đến từ TP. Hồ Chí Minh biểu diễn đã tô đậm thêm tình đoàn kết, gắn bó keo sơn giữa các tỉnh, thành trong khu vực, nhất là hai tỉnh anh em Bình Phước – Bình Dương.
Toàn bộ chương trình kỷ niệm 15 năm tái lập tỉnh được truyền hình trực tiếp trên sóng phát thanh – truyền hình Bình Phước.
Hoàng Thu (Theo baobinhphuoc)

Bí thư TW Đảng Trương Hòa Bình chỉ đạo về công tác phòng chống tham nhũng


Đoàn công tác số 3 do đồng chí Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC, Ủy viên Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng (PCTN) Trung ương làm Trưởng đoàn vừa đến thăm và làm việc tại tỉnh An Giang và làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT.
Tại An Giang:
Ngày 16-12, tại Hội trường UBND tỉnh An Giang, Đoàn công tác số 3 do đồng chí Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC, Ủy viên Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng (PCTN) Trung ương làm Trưởng đoàn đến thăm và làm việc về kết quả 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyếtsố 04-NQ/TW – Hội nghị Trung ương III khóa X về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng tại tỉnh An Giang.
Chánh án Trương Hòa Bình làm việc với tỉnh An Giang
Chánh án Trương Hòa Bình làm việc với tỉnh An Giang
Tiếp Đoàn công tác có ông Vương Bình Thạnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng tỉnh An Giang và lãnh đạo các Sở, Ban ngành của tỉnh cùng với Chủ tịch UBND một số huyện, thành phố của tỉnh.
Trong 5 năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã chỉ đạo các cấp uỷ, tổ chức Đảng tổ chức học tập, quán triệt cho đảng viên, cán bộ, công chức ở cấp mình, ngành mình về nội dung Nghị quyết, các văn bản của Đảng và Nhà nước liên quan đến phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Theo đó, Ủy ban kiểm tra các cấp tỉnh An Giang đã kiểm tra các tổ chức và đảng viên có dấu hiệu vi phạm đã phát hiện 135 đảng viên vi phạm tham ô, hối lộ, chiếm đoạt, chiềm dụng tài sản Nhà nước với tổng số tiền gần 3,2 tỷ đồng và 14.044m2 đất, xử lý hành chính 102 đảng viên, chuyển Cơ quan điều tra khởi tố 20 trường hợp.
Ngành Thanh tra đã tiến hành thanh tra 1.699 cuộc thanh tra (trong đó thanh tra PCTN 250 cuộc) phát hiện sai phạm với số tiền hơn 125,6 tỷ đồng (trong đó giá trị tài sản tham nhũng là gần 5,6 tỷ đồng), 210 chỉ vàng 24K, 766.180m2 (kể cả nền nhà). Tổng số tiền đã thu hồi 8 tỷ đồng, 3.29m2 và 388 nền nhà. Kiến nghị xử lý hành chính 4 tập thể, chuyển Cơ quan điều tra 5 vụ, 9 cá nhân có liên quan.
Công tác điều tra tội phạm tham nhũng được An Giang đẩy mạnh thực hiện. Cơ quan tố tụng phát hiện, khởi tố điều tra 15 vụ, 33 bị can gây thiệt hại 12 tỷ đồng, gồm các tội danh: Tham ô tài sản 10 vụ/26 bị can; nhận hối lộ 1 vụ/12 bị can; lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản 2 vụ/2 bị can; tham ô, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản và đánh bạc 1 vụ/2 bị can. Tổng giá trị tài sản qua điều tra, truy tố, xét xử thu hồi 3,3 tỷ đồng và hiện đang tiếp tục kiểm sát điều tra làm rõ 2 vụ/2 bị can về hành vi tham ô.
Sau khi nghe báo cáo, các thành viên của Đoàn công tác số 3 đã đặt một số vấn đề gợi ý, trên cơ sở của báo cáo. Theo Đoàn công tác, lĩnh vực đất đai, ngân hàng, bảo hiểm xã hội, giao thông vận tải đang “nóng” lên nhiều vụ án tham nhũng bị cơ quan chức năng phát hiện như: Vụ đất đai ở Long Xuyên, Bến xe Châu Đốc, Bảo hiểm xã hội huyện Thoại Sơn… cần xác định nguyên nhân từ đâu? Bài học kinh nghiệm gì cần rút ra? Tình hình tham nhũng có chuyển biến như thế nào? Đặc biệt, công tác cải cách hành chính đạt kết quả ra sao?
Ông Thái Hữu, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh An Giang cho biết, cải cách hành chính ở An Giang đạt hiệu quả đáng khích lệ. Tỉnh công khai toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật cũng như tất cả thông tin về mọi lĩnh vực trên trang thông tin điện tử để người dân dễ dàng tiếp cận. Việc thực hiện “một cửa” ở cấp xã và “một cửa liên thông” đã hạn chế được hành vi nhũng nhiễu.
Ông Trần Văn Nhỏ, Chánh Thanh tra tỉnh An Giang thừa nhận, đất đai là một trong lĩnh vực nhạy cảm nhất. Theo ông Nhỏ, một trong những nguyên nhân tham nhũng thời gian qua xuất phát từ việc xây dựng kế hoạch PCTN nhiều nơi làm rất sơ sài, mang tính đối phó. Bên cạnh đó, tiền quỹ của xã, trung tâm y tế, đơn vị sự nghiệp… quản lý lỏng lẻo của một số cơ quan sẽ là những “đối tượng” dễ bị biển thủ, chiếm đoạt nhất.
Ông Lê Việt Khoa, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy An Giang chia sẻ, việc người dân tố cáo một số cán bộ lập doanh nghiệp “sân sau”, qua kiểm tra, phần lớn tố cáo này là chính xác. Cần phải có giải pháp bảo vệ người tố cáo. Điều mà ông Khoa đau lòng nhất là trong quá trình xây dựng cụm tuyến dân cư vượt lũ, không ít cán bộ ở cơ sở đã “tranh thủ xí phần”, tuy giá trị tham nhũng không cao nhưng hậu quả để lại thật nặng nề.
Thiếu tướng Dương Thái Nguyên, Giám đốc Công an tỉnh An Giang cho rằng, thủ đoạn của tội phạm tham nhũng hiện nay là lợi dụng sơ hở của cơ quan quản lý, lợi dụng chức trách để thực hiện hành vi tham nhũng. Hiện nay, liên quan đến việc đáo hạn ngân hàng, không ít cán bộ ngân hàng “tiếp tay” cho một số đối tượng bên ngoài hình thành những tổ chức “tín dụng đen”.
Theo ông Vương Bình Thạnh, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, công tác PCTN của tỉnh trong thời gian qua đã có sự chuyển biến tích cực. Tuy số lượng phát hiện có thể tăng nhưng điều đó phản ánh đúng thực chất. Tất cả các vụ tham nhũng liên quan đến đất đai đều xảy ra trước năm 2006. Theo ông Vương Bình Thạnh, trước khi có Nghị quyết 04, việc PCTN có lúc, có nơi còn hô hào khẩu hiệu, chưa đi vào thực tiễn do cơ sở pháp lý chưa rõ ràng. Việc công khai tài sản có cũng như không, kê khai xong xếp vào tủ, có vi phạm mới lấy ra xử lý. Từ khi các Văn bản Pháp luật về PCTN ban hành cũng như tăng cường về cải cách hành chính đã từng bước đạt được hiệu quả thiết thực.
Liên quan đến câu hỏi về những vụ án tham nhũng về đất đai xảy ra, Chủ tịch Vương Bình Thạnh khẳng định sẽ xử lý kiên quyết, không bao che. Đây là quyết tâm của Đảng bộ An Giang.
Kết thúc buổi làm việc, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Trương Hòa Bình đánh giá cao những kết quả mà tỉnh An Giang đã đạt được qua 5 năm thực hiện Nghị quyết. Đồng thời, Chánh án Trương Hòa Bình cũng đề nghị tỉnh An Giang trong thời gian tới cần chủ động quản lý chặt chẽ hơn đối với các lĩnh vực nhạy cảm để thực hiện hiệu quả công tác PCTN; nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước của chính quyền các cấp; làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN, thực hành tiết kiệm chống lãng phí; tăng cường thanh tra, giám sát; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không để kéo dài làm mất lòng tin của nhân dân, đồng thời không ngừng đề cao vai trò, trách nhiệm và gương mẫu của người đứng đầu cơ quan, đơn vị về PCTN.
Tại Bộ Giao thông – Vận tải
Ngày 19-12, Đoàn công tác số 3 do đồng chí Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC, Ủy viên Ban Chỉ đạo PCTN Trung ương làm Trưởng đoàn đã làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT).
Tiếp Đoàn công tác số 3 có ông Đinh La Thăng, Bộ trưởng, Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT và thủ trưởng một số cơ quan trực thuộc Bộ GTVT.
Đoàn kiểm tra số 3 (bên phải) làm việc với Bộ GTVT
Đoàn kiểm tra số 3 (bên phải) làm việc với Bộ GTVT
Báo cáo trước Đoàn kiểm tra, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết: Ngay từ khi có Nghị quyết Trung ương 3 khóa X, ngày 21-8-2006 của Ban chấp hành Trung ương về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí”, Bộ GTVT đã ban hành Quyết định số 350/QĐ-BGTVT về chương trình hành động PCTN và triển khai đến thủ trưởng các cơ quan trực thuộc Bộ. Trong đó Bộ trưởng Bộ GTVT trực tiếp chỉ đạo công tác PCTN, đồng thời phân công một Thứ trưởng giúp việc cho Bộ trưởng thực hiện công tác này.
Ngoài ra Bộ GTVT đã kiện toàn bộ máy chỉ đạo các đơn vị chuyên trách về PCTN; tăng cường tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của đảng viên, cán bộ, công chức và nhân dân về công tác PCTN, lãng phí; ban hành nhiều quyết định, văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách trong công tác quản lý kinh tế, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý sau thanh tra.
Từ năm 2006 đến 2011, Thanh tra Bộ GTVT đã phát hiện 17 vụ việc tham nhũng. Trong đó tiêu biểu là vụ án Nguyễn Văn Phú, nguyên là Giám đốc Chi nhánh Công ty Vận tải và Xây dựng sử dụng trên 7,5 tỷ đồng từ quỹ Chi nhánh nhưng không lập chứng từ chi, sử dụng hóa đơn thuế khống để hợp pháp hóa số tiền trên và chỉ đạo hạch toán khống số tiền chi sai. Vụ án Ban quản lý các dự án 18 (PMU 18) tiếp tục điều tra về lập khống danh sách trả lương cho cán bộ tư vấn tại Dự án cầu Bãi Cháy để tham ô 3,4 tỷ đồng. Vụ án tại Công ty Tư vấn Xây dựng đường thủy 1 cố ý lập khống chứng từ rút tiền chia nhau gần 10 tỷ đồng (vụ án chưa được xét xử) v.v…
Ngoài ra, Thanh tra Bộ GTVT còn chủ động phối hợp với cơ quan chức năng chủ động xác minh phát hiện cán bộ tư vấn giám sát có hành vi vòi vĩnh lấy tiền của nhà thầu, trục xuất 1 tư vấn giám sát trưởng quốc lộ 70 ra khỏi công trường, giáo dục răn đe các tư vấn giám sát quốc lộ 279, quốc lộ 70 và quốc lộ 2. Năm 2009, Thanh tra Bộ GTVT phối hợp với Công an Hà Nội bắt và khởi tố đối tượng Lê Gia Biên với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản của cán bộ Trạm thu phí Chương Mỹ. Năm 2011, ngăn chặn 1 vụ bán thầu của nhà thầu phụ gói thầu số 6 dự án xây dựng đường cao tốc Sài Gòn – Dầu Giây…
Mặc dù đã nỗ lực thực hiện công tác PCTN, lãng phí, nhưng Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng thừa nhận hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra của Bộ GTVT vẫn chưa cao.
Thay mặt Đoàn kiểm tra số 3, đồng chí Trương Hòa Bình đánh giá cao những kết quả mà Bộ GTVT đã đạt được qua 5 năm thực hiện “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí”. Đối chiếu với mục tiêu của Nghị quyết Trung ương 3 khóa X thì công tác PCTN giai đoạn 2006-2011 của Bộ GTVT đã có chuyển biến tích cực, tham nhũng, lãng phí đã có bước được kiềm chế. Trong thời gian tới, đồng chí Trương Hòa Bình đề nghị Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT cần quản lý chặt chẽ hơn đối với các lĩnh vực nhạy cảm để thực hiện hiệu quả công tác PCTN; nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước của chính quyền các cấp đối với công tác này.
Cùng với đó, Bộ GTVT cần tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, rà soát, xây dựng thể chế, đẩy mạnh việc công khai minh bạch trong hoạt động, đẩy mạnh cải cách hành chính và triển khai thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa các cơ quan trong công tác PCTN, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xác minh tố cáo tham nhũng theo quy định của pháp luật.
Văn Vũ – Trần Quang

Chánh án Trương Hòa Bình tham gia lễ động thổ tượng đài Nghĩa sĩ Cần Giuộc


Ngày 17-12, tại thị trấn Cần Giuộc, UBND tỉnh Long An tổ chức lễ kỷ niệm 150 năm trận đánh đồn Tây Dương (16-12-1861/16-12-2011) và khởi công xây dựng tượng đài Nghĩa sĩ Cần Giuộc. Dự buổi lễ có đồng chí Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC cùng lãnh đạo các cơ quan ban ngành tỉnh, các cán bộ cách mạng lão thành, Bà mẹ VNAH  và nhiều doanh nghiệp…

Chánh án Trương Hòa Bình tham gia lễ động thổ công trình
Chánh án Trương Hòa Bình tham gia lễ động thổ công trình
Ôn lại truyền thống hào hùng của những nghĩa sĩ Cần Giuộc, ông Mai Văn ChínhỦy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Long An tự hào: “Cách đây đúng 150 năm, vào đêm 16-12-1861 (tức ngày rằm tháng 11 năm Tân Dậu), những nghĩa sĩ Cần Giuộc vốn là nông dân tay lấm chân bùn, vì quá căm phẫn ách thống trị của giặc ngoại xâm, đã quả cảm quên mình tập kích đồn Tây Dương ở Cần Giuộc, tiêu diệt được nhiều binh lính lẫn tên tri huyện tay sai giặc Pháp. Trong trận đánh, hơn 20 nghĩa sĩ đã ngã xuống.
Sự hy sinh anh dũng của các nghĩa sĩ Cần Giuộc đã trở thành biểu tượng của lòng yêu nước, tinh thần cao cả và khí phách anh hùng của người nông dân Việt Nam trong những năm đầu thực dân Pháp xâm lược nước ta. Sự hy sinh ấy được nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu thể một cách hào hùng và bi tráng qua bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” tại lễ truy điệu các nghĩa sĩ hy sinh trong trận đánh này. Bài văn tế lan tỏa thật mạnh mẽ và đích thân vua Tự Đức ban ngay chỉ dụ phổ biến rộng rãi bài văn tế để khích lệ toàn dân nung nấu thêm ý chí căn thù và lòng quyết tâm đánh đuổi thực dân Pháp…”.
Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi lễ
Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi lễ
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC đã ca ngợi những nghĩa sĩ Cần Giuộc năm xưa trong tay chỉ với “một ngọn tầm vông” đương đầu với “tàu sắt, tàu đồng” của giặc, chiến đấu anh dũng “nào sợ thằng Tây bắn đạn nhỏ, đạn to” và đã hy sinh cao cả. Cuộc chiến đấu ấy đã in đậm trong lịch sử nước ta một nét son chói lọi và hình tượng người nghĩa sĩ nông dân sống mãi trong lòng các thế hệ người Việt Nam. Sự ngã xuống của nghĩa sĩ Cần Giuộc đã khởi đầu cho truyền thống “Trung dũng kiên cường toàn dân đánh giặc” của Long An nói riêng và truyền thêm sức mạnh yêu nước nồng nàn cho người dân Việt Nam nói chung trong công cuộc kháng chiến giành độc lập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Để tưởng nhớ các vị tiền nhân và giáo dục thế hệ trẻ, đồng chí Trương Hòa Bình bày tỏ sự ủng hộ quyết định của tỉnh Long An về việc xây dựng tượng đài Nghĩa sĩ Cần Giuộc. Đây là công trình được xây dựng theo mô hình xã hội hóa, Nhà nước và nhân dân cùng làm. Đồng thời đồng chí Trương Hòa Bình kêu gọi tấm lòng vàng của các cơ quan đơn vị, tổ chức, tập thể, cá nhân trong và ngoài nước sát cánh cùng địa phương ủng hộ kinh phí hoặc đề xuất ý tưởng về xây dựng tượng đài về quy mô, hình tượng, phong cách… để sớm hoàn thành ước nguyện cao quý này. Đồng chí Trương Hòa Bình cũng yêu cầu tỉnh Long An cần phải triển khai thực hiện những công trình khoa học nghiên cứu, đánh giá một cách khách quan, toàn diện về trận đánh đồng Tây Dương của nghĩa sĩ Cần Giuộc.
Được biết, dự toán tổng kinh phí xây dựng tượng đài Nghĩa sĩ Cần Giuộc khoảng 22 tỷ đồng, hoàn thành trong thời gian 3 năm. Tại buổi lễ, Ban vận động xây dựng tượng đài nghĩa sĩ Cần Giuộc đã nhận được sự ủng hộ gần 6 tỷ đồng.
Ban vận động xây dựng tượng Đài nghĩa sĩ Cần Giuộc xin đón nhận và cảm ơn những tấm lòng ủng hộ.
Để tiếp tục đón nhận mọi sự ủng hộ của các nhà hảo tâm, Ban vận động xây dựng tượng Đài nghĩa sĩ Cần Giuộc thông báo xin liên hệ: Sở Văn hóa – Thể thao & Du lịch Long An số 3 Võ Văn Tần, phường 2, Tp. Tân An, tỉnh Long An, số điện thoại: 072 3826310; Huyện ủy Cần Giuộc đường Nguyễn Chí Nam, thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, số điện thoại: 072 3893818. Tài khoản thường xuyên của Ban vân động (Ban Quản lý dự án xây dựng công trình văn hóa, số 4 Quốc lộ 1A, phường 2, Tp. Tân An, tỉnh Long An) số 801K.000.048 – Ngân hành phát triển Long An.
Văn Vũ